top of page

Cây rau sam

Tổng quan đặc điểm thực vật, thành phần hoá học và tác dụng dược lý của Rau sam

TÓM TẮT

Để nghiên cứu tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới có hoạt tính chăm sóc da, rau sam (Portulaca oleracea L. C.A. Mey) là một nguồn nguyên liệu hữu cơ được chiết xuất bằng phương pháp chiết với dung môi rồi đưa vào các nghiên cứu. Đây là loại thực vật phổ biến ở Việt Nam và dễ trồng, chăm sóc. Các thành phần chính của nó gồm: protid, glucid, calci, caroten, P, sắt, vitamin C, A, B1, B2, PP, alkaloid, saponin, tannin, sterol, flavonoid, terpenoid, glycoside, omega-3… có mặt trong cả cao nước và cao ethanol của lá, thân, rễ của rau sam. Rau sam có các hoạt tính là bảo vệ thần kinh, điều trị tiểu đường, chống oxy hóa, ức chế miễn dịch, kháng khuẩn, chống ung thư, bảo vệ gan và chống viêm. Đặc biệt, rau sam có hoạt tính chống lão hóa, làm trắng và cải thiện tình trạng nhăn da. Nghiên cứu đánh giá tính kích ứng (in-vitro) cũng dã dược đánh giá để chứng minh độ an toàn của cao rau sam. Hoạt tính thu dọn gốc tự do và hoạt tính kích thích sinh tổng hợp collagen để chống lão hóa da đã được đánh giá so với mẫu chứng (acid ascorbic tinh khiết). Hoạt tính ức chế melanin (in-vitro) cũng như công dụng làm sáng da cũng đã được thử nghiệm. Thực hiện nghiên cứu đánh giá đối với 2 sản phẩm là nhũ tương và lotion có thành phần chủ yếu từ thiên nhiên, trong đó có cao rau sam, không sử dụng chất bảo quản để đánh giá tác dụng tổng thể đối với khả năng cải thiện tình trạng da (làm da trắng sáng hơn, chống lão hóa, làm mờ nếp nhăn, tiến hành trên người tình nguyện, và thử nghiệm in-vitro). Vì vậy, cao chiết hữu cơ từ rau sam có thể được sử dụng để nghiên cứu phát triển thành hoạt tính thiên nhiên để đưa vào mỹ phẩm làm đẹp da.

Từ khóa: Rau sam, chống lão hóa, chống oxy hóa, làm trắng da, mỹ phẩm.

OVERVIEW OF PLANT CHARACTERISTICS, CHEMICAL COMPOSITION AND PHARMACOLOGICAL EFFECTS OF PUSLANE (Portulaca oleracea)

SUMMARY

To find the new raw material having skin care activity, Puslane (Portulaca oleracea L. C.A. Mey) of organic native plant was extracted and concentrated with solvent extracting method. P.oleracea is a common plant in Vietnam and easy to plant. Its main compounds: protid, glucid, calci, caroten, P, iron, vitamin C, A, B1, B2, PP, alkaloid, saponin, tannin, sterol, flavonoid, terpenoid, glycoside, omega-3… present in both water and ethanol extract of leaf, stem and root of Purslane. The major activities of Purslane are: neuroprotect, anti diabetes, antioxidant and immunostimulation, antimicrobial, anti cancer, hepatic protect, anti inflammatory. Especially, P.oleracea is able to anti-aging, whitening and wrinkle skin improvement. The skin irritating evaluations (in-vitro) were performed to confirm the skin safety of its extract. Both free radical scavenging activity and collagen biosynthesis activity for skin anti-aging activity were evaluated with control sample (pure ascorbic acid). Melanin inhibition activity (in-vitro) as a skin lightning effect, to find the skin whitening was tested to use its material. As an application study, two high functional emulsion lotion having almost natural sources containing P. oleracea extract were formulated without any preservatives and totally evaluated the skin improvement effect (whitening, anti-aging activity and fine wrinkle diminish effect, human volunteer test, in-vivo). Therefore, the organic P. oleracea extract can contribute to the development of new natural active ingredients for advanced skin care cosmetic.

Keywords: plant extract, anti-aging, whitening, skin care, cosmetic.

1. Đặc điểm thực vật

Rau sam (Portulaca oleracea L. C.A. Mey) là loài dược liệu mọc phổ biến ở Việt Nam và dễ trồng, chăm sóc



Cây thảo, sống hàng năm, mọc bò. Thân hình trụ, mập, mọng nước, nhẵn, màu đỏ nhạt, dài 15-30cm, phình lên ở những mấu. Lá mọc so le hoặc gần đốt, phiến dày, phẳng, hình nêm, dài 0,8-1,5 cm, rộng 5-8mm, gốc thuôn dần thành cuống ngắn, đầu lá bẹt, mép có viền đỏ, không có lá kèm. Hoa màu vàng, mọc đơn độc hoặc tụ tập ít hoa ở ngọn thân, lá bắc hình tam giác, dạng vảy; lá đài 2, hình tam giác nhọn không đều, cánh hoa 5, hình trứng ngược, khuyết ở đầu, to hơn lá đài, nhị 8-10, bao phấn hình mắt chim, bầu trung.Quả nang hình cầu hoặc hình trứng, mở theo một đường tròn ngang ở giữa quả thành cái nắp, chứa nhiều hạt, màu đen bóng. Mùa hoa quả: tháng 6-8.

2. Thành phần hóa học

Theo Viện vệ sinh Hà Nội (1972) rau sam Việt Nam có 1.4% protid, 3% gluxid, 1.3% tro, 85 mg% calci, 5.6mg%P, 1.5mg% sắt, 26mg% vitamin C, 0.32mg% caroten, 0.03mg% vitamin B1, 0.11mg% vitamin B2, 0.7mg% vitamin PP. Thành phần hóa học của rau sam có nhiều nhóm chất khác nhau: alkaloid, saponin, tannin, sterol, flavonoid, terpenoid, glycoside tim, chúng có mặt trong cả cao nước và cao ethanol của lá, thân và rễ rau sam. Ngoài ra trong thành phần của cây rau sam có chứa nhiều vitamin A, C, protein, chất béo, carbohydrat, Ca, Fe, B1. Flavonoid (apigenin, kaempferol, quercetin, luteolin, myricetin, genistein và genistein). Alkaloid, Coumarine, anthraquinon glycoside, glycoside tim. Và lá của P. oleracea là một nguồn giàu axit béo omega-3 (đặc biệt là acid linoleic) nhiều nhất trong số các loài thực vật, có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa các bệnh tim mạch và tăng cường hệ thống miễn dịch.

3. Tác dụng dược lý của rau sam

3.1. Hoạt tính bảo vệ thần kinh

Rau sam có khả năng thu dọn các gốc tự dovà đối kháng với rotenone gây ra sự chết tế bào thần kinh, suy giảm dopamin và phức hợp-I ức chế thể vân ở chuột. Do đó, rau sam có tiềm năng trong bảo vệ thần kinh chống lại bệnh Parkinson. Alkaloid trong cao chiết của Portulaca oleracea của rau sam có tiềm năng lớn trong phòng và điều trị bệnh Alzheimer (AD)

3.2. Tác dụng điều trị tiểu đường

Cao rau sam làm giảm trọng lượng cơ thể, các acid béo tự do trong huyết thanh, tăng độ nhạy cảm với insulin và cải thiện khả năng dung nạp glucose trên chuột thí nghiệm. Đồng thời cũng ngăn ngừa viêm mạch máu do tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chức năng nội mô trong tiểu đường type 2 ở chuột.

3.3. Hoạt tính chống oxy hóa

Hoạt tính chống oxy hóa của là do gallotannins, acid béo omega-3, acid ascorbic, α-tocopherol, kaempferol, quercetin, và apigenin trong thành phần của nó.

3.4. Hoạt tính chống oxy hóa và kích thích miễn dịch của các polysaccharide của rau sam

Polysaccharides trong rau sam có hiệu quả đáng kể trong việc thu dọn các gốc tự do superoxide anion, 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH), Nitric oxide và gốc hydroxyl phụ thuộc vào liều; ức chế sự ly giải hồng cầu, cường lách, kéo dài đời sống của tế bào thymocyte T và tế bào lymphocyte B, có thể kết luận rằng các polysaccharide trong rau sam có thể phòng ngừa và điều trị một số vấn đề sức khỏe liên quan đến các gốc tự do như ung thư buồng trứng, do khả năng thu dọn các gốc tự do và tăng cường chức năng miễn dịch.

3.5. Hoạt tính chống oxy hóa của phenolic alkaloid trong rau sam

Hoạt tính chống oxy hóa của 3 phenolic alkaloid trong rau sam là oleracein A (OA), oleracein B (OB) và oleracein E (OE) do chúng có khả năng thu dọn gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picryl-hydrazyl (DPPH) và tác dụng ức chế hydrogen peroxide gây ra peroxy hóa lipid ở não của chuột. Hoạt tính thu dọn các gốc tự do DPPH của các phenolic alkaloid thấp hơn caffeic acid nhưng cao hơn so với ascobic acid và α-tocopherol, và theo thứ tự sau: OB > OA > OE

3.6. Hoạt tính chống ung thư

Polysaccharides từ thể hiện một số hoạt tính sinh học, chẳng hạn như chống ung thư, chống oxy hóa, chống viêm nhiễm và tăng cường miễn dịch

3.7. Hoạt tính kháng khuẩn

Portulaca oleracea có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus và các hoạt động như có hoạt tính chống lại nấm Dermatophytes của chi Trichophyton.

3.8. Hoạt tính chống viêm

Cao chiết nước của rau sam cho thấy có hoạt tính ức chế yếu tố gây hoại tử khối u (TNF-) α và có thể đóng vai trò quan trọng trong ức chế quá trình viêm mạch máu liên quan đến sự phát triển của xơ vữa động mạch.

3.9. Tác dụng bảo vệ gan

Cao ethanol 70% của rau sam làm đảo ngược đáng kể sự tăng men gan và bilirubin toàn phần gây ra do tiêm phúc mạc CCl4 ở chuột.

3.10. Các hoạt tính khác

Hoạt chất trong rau sam có khả năng làm tăng thời gian sống của chuột trong mô hình thiếu oxy. Hoạt tính làm lành vết thương: làm tăng đáng kể tốc độ làm lành vết thương bằng cách kích thích sự thu hẹp lại vết thương và giảm diện tích bề mặt vết thương hở.

4. Tác dụng làm đẹp da của rau sam

Từ lâu đời rau sam đã có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian như bài thuốc chữa mụn trứng cá; chữa trẻ bị nổi mẩn đỏ quanh rốn (sốt phát ban); chữa mụn nhọt, chốc đầu; chữa quai bị; chữa rôm sảy; chữa chàm, lở loét da.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về công dụng làm đẹp và sản phẩm mỹ phẩm chứa rau sam còn rất hạn chế.

Cao đặc rau sam được chiết xuất từ phần trên mặt đất đã được làm khô của cây rau sam bằng dung môi ethanol 50% (kl/tt) trong nước. Sau đó, nó được phân tích bởi HPLC, TLC và quang phổ, cao thu được có các thành phần chính là: polysaccharide, tinh bột, axit béo omega-3 (Axit linoleic), vitamin C, vitamin E, vitamin B1, carotene, tannin và một số khoáng chất như Ca, Zn, Fe.

Giống như 1 nguyên liệu mỹ phẩm, cao chiết rau sam được nghiên cứu về các công dụng trong chăm sóc da như chống lão hóa, làm trắng da và cải thiện các nếp nhăn trên da. Độ kích ứng da (in-vitro) được đánh giá để chứng minh độ an toàn của cao. Hoạt tính thu dọn các gốc tự do và hoạt tính kích thích sinh tổng hợp collagen để chống lão hóa da đã được đánh giá so với mẫu chứng (acid ascorbic tinh khiết). Hoạt tính ức chế melanin (in-vitro) như tác dụng làm sáng da cũng được thử nghiệm. Thực hiện nghiên cứu đánh giá đối với 2 sản phẩm là nhũ tương và lotion có thành phần chủ yếu từ thiên nhiên, trong đó có cao P.oleracea, không sử dụng chất bảo quản để đánh giá tác dụng đối với da tổng thể (làm trắng, chống lão hóa, chống nếp nhăn, test trên người tình nguyện, in-vivo). Đánh giá về làm trắng và cải thiện nếp nhăn được đo bằng máy phân tích da Skin Analyzer (Model: Aramo TS, Aram Hubis Co Ltd, Hàn Quốc).

Kết quả nghiên cứu cho thấy tác dụng của cây rau sam đối với làn da rất đáng chú ý:

Rau sam có khả năng giúp da tươi sáng hơn, và cải thiện nếp nhăn. Dịch chiết rau sam có khả năng thu dọn các gốc tự do cao hơn rất nhiều khi so sánh với acid kojic và arbutin nên có khả năng chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa da. Đồng thời dịch chiết rau sam có khả năng làm tăng quá trình tổng hợp protein, tăng liên kết giữa các protein trong quá trình tổng hợp collagen; khi so sánh hoạt tính làm tăng tổng hợp collagen in-vitro thì dịch chiết rau sam có khả năng tăng tổng hợp collagen đến 23,5%, acid kojic làm tăng 12,7%, arbutin chỉ 8,5% và vitamin C là 9,6%.

Rau sam cũng được thử tác dụng ức chế melanin, dịch chiết của nó có hoạt tính ức chế sự hình thành melanin tương đương với vitamin C và cao hơn so với acid kojic và arbutin. Dịch chiết rau sam có tác dụng làm trắng và sáng da rõ rệt sau 6 tuần bôi dịch chiết rau sam lên da do có tác dụng làm giảm bớt và loại bỏ sắc tố da.

Về công dụng cải thiện các nếp nhăn: dịch chiết rau sam đã được chứng minh là có khả năng cải thiện làn da và làm giảm rõ rệt các nếp nhăn sau 6 tuần sử dụng trên da.

5. Kết luận

Rau sam là loài dược liệu có tiềm năng trong chăm sóc và làm đẹp da. Tuy nhiên, tại Việt Nam các nghiên cứu đưa rau sam vào chế phẩm dùng cho da còn ít. Các chế phẩm mỹ phẩm chứa rau sam còn rất hạn chế, chủ yếu là các sản phẩm từ nước ngoài như kem dưỡng da Atomy Essence (Hàn Quốc), bộ mỹ phẩm ốc sên Cellio (Hàn Quốc), sữa rửa mặt trắng da Sakura Whitening Facial Cleanser (Nhật Bản). Khai thác các đặc tính ưu việt này của cây rau sam,Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên đã tiến hành các công trình nghiên cứu: “Nghiên cứu quy trình chiết xuất hoạt chất rau sam có công dụng làm đẹp da” và “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất kem trẻ hóa làn da từ hoạt chất cây rau sam Việt Nam” từ đó cho ra đời bộ sản phẩm kem dưỡng trắng da ngày, đêm Legend Pearl. Sản phẩm được nghiên cứu bới Viện Nghiên cứu & Phát triển sản phẩm thiên nhiên.

Tài liệu tham khảo:

1. Akram Eidi, Pejman Mortazavi, Jalal Zarringhalam Moghadam and Parisa Mousavi Mardani, (2013), Hepatoprotective effects of Portulaca oleracea extract against CCl4-induced damage in rats

2. An Sook Lee , Jin Sook Kim , Yun Jung Lee , Dae Gill Kang and Ho Sub Lee (2012) Anti-TNF-a Activity of Portulaca oleracea in Vascular Endothelial Cells

3. Bendong Chen, Wenyan Zhou, Haining Zhou, Quan Yuan, Wenchao Zhao, Guangshun Yang (2012) Effects of aqueous extract of Portulaca oleracea L. on oxidative stress and liver, spleen leptin, PARa and FAS mRNA expression in high-fat diet induced mice

4. Cai-Xia DONG,Kyoko HAYASHI, Jung-Bum LEE, and Toshimitsu HAYASHI, (2010), Characterization of Structures and Antiviral Effects of Polysaccharides from Portulaca oleracea L.

5. Chang-Quan Wang, Gui-Qin Yang, (2009), Betacyanins from Portulaca oleracea L. ameliorate cognition deficits and attenuate oxidative damage induced by D-galactose in the brains of senescent mice

6. Chen YouGuo, Shen ZongJi, Chen XiaoPing (2009) Evaluation of free radicals scavenging and immunity-modulatory activities of Purslane polysaccharides

7. Đỗ Tất Lợi, (1999), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

8. Ehab S. Elkhayat , Sabrin R.M. Ibrahim & Mohamed A. Aziz (2008), Portulene, a new diterpene from Portulaca oleracea L.

9. Gholamreza Karimi, Alireza Khoei, Abbas Omidi, Mahmudreza Kalantari, Javad Babaei, Elahe Taghiabadi, Bibi Marjan Razavi (2009), Protective Effect of Aqueous and Ethanolic Extracts of Portulaca Oleracea Against Cisplatin Induced Nephrotoxicity

10. Gholamreza Karimi, Hosein Hoseinzadeh and Negin Etthehad, (2004), Evaluation of the Gastrich Antiulcerogenic Effect of Portulaca oleracea L. Extracts in Mice

11. Guo-Yin Zheng, Li-Ping Qu, Xiao-Qiang Yue, Wei Gu, Hong Zhang, Hai-Liang Xin, (2014), Portulacerebroside A induces apoptosis via activation of the mitochondrial death pathway in human liver cancer HCCLM3 cells

12. http://nhansamtrieutien.vn/my-pham-han-quoc/bo-my-pham-oc-sen-cellio-gold-snail-moisture-3-set

13. http://sakurabeauty.com.vn/sua-rua-mat/sua-rua-mat-trang-da-sakura-whitening-facial-cleanser.html

14. http://www.atomyvn.net/san-pham/NA/tinh-chat-duong-atomy-essence.html

15. In-Young Kim, Min-Hee Lee, Seung-Bo Shim and Yong-Jin Chun (2013), Skin Lightening and Wrinkle Improving Efficacy of Organic Portulaca oleracea Extract in Skin Care Cosmetic

16. Ki-Bong Oh, Il-Moo Chang, Ki-Jun Hwang and Woongchon Mar, (2000), Detection of Antifungal Activity in Portulaca oleracea by a Single-cell Bioassay System

17. Lan Xiang, Dongming Xing, Wei Wang, Rufeng Wang, Yi Ding, Lijun Du (2005), Alkaloids from Portulaca oleracea L.

18. Nguyễn Văn Thật, Phùng Văn Trung, Nguyễn Ngọc Hạnh, (2010), Bước đầu nghiêm cứu thành phần hó học cây rau sam (Portulaca oleracea L.)

19. SHEN Lan and LU Fu-er, (2003) Effects of Portulaca Oleracea on Insulin Resistance in Rats with Type 2 Diabetes Mellitus

20. Tong Chen & Jin Wang & Yuanyuan Li & Jianmin Shen & Ting Zhao & Haixia Zhang (2010), Sulfated modification and cytotoxicity of Portulaca oleracea L. polysaccharides

21. Viện dược liệu, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2

22. Yan-Xi Zhou, Su-Juan Wang, Hai-Liang Xin, Cheng Peng, Khalid Rahman, and Hong Zhang, (2014), Review Article Portulaca oleracea L.: A Review of Phytochemistry and Pharmacological Effects

23. Zhongduo Yang, Mingjun Yang, Dongbo Zhang, Shuo Li, Jin Ren (2011) Acetylcholinesterase inhibitory activity of the total alkaloid from traditional Chinese herbal medicine for treating Alzheimer’s disease

24. Zhongxin Xu and Ying Shan, (2014) Anti-fatigue effect of polysaccharides extracted from Portulaca oleracea L. in mice.

25. Zijuan Yang, Cejia Liu, Lan Xiang and Yinan Zheng, (2009) Phenolic Alkaloids as a New Classs of Antioxidants in Portulaca oleracea







bottom of page