top of page

Công Dụng Của Cây Nghệ Vàng (Curcuma longa L., Zingiberaceae)


Nghệ mọc hoang dại và phân bố khắp những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây mọc hoang dại và được trồng khắp nơi như: Hưng Yên, Nghệ An,…. Củ Nghệ được biết đến với nhiều công dụng khác nhau để làm gia vị, làm thuốc. Thân rễ Nghệ trong Đông y gọi là Khương Hoàng, có vị đắng, cay, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng hành khí phá ứ, thông kinh chỉ thống. Nghệ được sử dụng để chữa các bệnh: Kinh nguyệt không đều, đái ra máu, phụ nữ bị u uất sinh điên, chữa trị lở, sưng đau, chữa dạ dày – tá tràng viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da; chữa viêm gan, suy gan, vàng da do virus, thổ huyết máu cam. Ngày nay, nó còn được dùng trong công nghiệp thực phẩm (chủ yếu là chất màu), công nghiệp dược phẩm (chống oxi hóa, chữa bệnh, …) và mỹ phẩm (sản phẩm dưỡng, làm đẹp da)[1],[2].

Nghệ được sử dụng làm gia vị trong các món ăn để tạo màu cho món ăn như món cari, món rendng và nhiều món khác ở nhiều nước như Ấn độ, Thái Lan, Indonesia, nhưng cũng được sử dụng trong một số món ăn ngọt như bánh Sfouf. Ở Ấn Độ, lá cây nghệ được sử dụng để làm một món ăn ngọt đặc biệt là patoleo, bằng cách xếp bột gạo cùng hỗn hợp dừa và thốt nốt trên lá, sau đó gói lại rồi hấp trong một nồi hấp đặc biệt bằng đồng (Goa). Trong những công thức nấu ăn bên ngoài Nam Á, nghệ đôi khi được sử dụng làm chất tạo màu vàng rực như bánh. Nó được sử dụng trong đồ uống đóng hộp và các sản phẩm nướng, các sản phẩm sữa, kem, sữa chua, bánh ngọt màu vàng, nước cam, bánh quy, màu của bắp rang, kẹo, bánh kem, ngũ cốc, nước sốt, gelatin… Đây là một thành phần quan trọng trong hầu hết các loại bột cà ri thương mại. Hầu hết các loại nghệ đều được sử dụng ở dạng bột củ, ở một số vùng (đặc biệt là ở Maharashtra, Goa, Konkan và Kanara), lá nghệ được sử dụng để bọc và nấu thức ăn. Cách sử dụng lá nghệ như thế này thường là ở những nơi mà nghệ được trồng tại đó, vì lá được sử dụng ngay khi vừa thu hoạch. Lá nghệ tạo một hương vị đặc biệt [2].

Trong y học cổ truyền và dân gian Nghệ là một vị thuốc quý. Ở Tamil Nadu, nghệ đã được sử dụng trong y học cổ truyền hàng ngàn năm như một phương thuốc chữa các bệnh về dạ dày và gan, cũng như thường dùng để chữa lành các vết loét, do những tính chất kháng khuẩn cơ bản của nó. [3]

Trong hệ thống y học Siddha (từ năm 1900 TCN), nghệ là thuốc chữa một số bệnh và tình trạng như ở da, phổi, hệ thống tiêu hóa, đau nhức, các vết thương, bong gân, và các rối loạn ở gan. Nước ép nghệ tươi thường được sử dụng trong nhiều tình trạng về da, bao gồm cả bệnh chàm, thủy đậu, bệnh zona, dị ứng, và ghẻ. [4]

Ngày nay nghệ là nguyên liệu để chiết xuất curcuminoid và curcumin làm nguyên liệu làm thuốc trong công nghiệp dược và mỹ phẩm để phòng chống các bệnh về ung thư, loét dạ dày, và làm trẻ hóa làn da [5,6].

Tài liệu tham khảo:

[1] Peter, K.V., Handbook of Herbs and Spices, Woodhead Publishing, 2001, p 300.) [2] Cây thuốc việt nam của Đỗ Tất lợi, 2004 [3] Chaturvedi TP (2009). “Uses of turmeric in dentistry: an update”. Indian J Dent Res 20 (1): 107–109. PMID 19336870 [4] Khalsa SVK. “Turmeric, The Golden Healer”. healthy.net. [5] A.Jain, E.Basal, Inhibition of Propionibacterium acnes-induced mediators of inflammation by Indian herbs, Phytomedicine, Volume 10, Issu 1, 2003, Pages 34-38 [6] AP Saikia, VK Ryakala, P Sharma, P Goswami, Ethnobotany of medicinal plants used by Assamese people for various skin ailments and cosmetics, Journal of Ethnopharmacology, Volume 106, Issue 2, 30 June 2006, Pages 149-157

bottom of page