top of page

Dấu Hiệu Của Lão Hóa

1. Lão hóa da là gì: Theo các chuyên gia da liễu “lão hóa da là quá trình suy giảm các chức năng của làn da, tuần hoàn máu và hệ bạch huyết suy giảm, làm hủy hoại cấu trúc nền của da, làm suy yếu mao mạch dưới da khiến cho độc tố không đào thải được ra ngoài.” Da là cơ quan duy nhất mà các dấu hiệu lão hóa được nhìn thấy sớm nhất. Quá trình lão hóa là kết quả của các quá trình sinh lý phức tạp gây ra bởi cả các yếu tố di truyền (lão hóa theo thời gian hoặc lão hóa nội tại) và các yếu tố môi trường hoặc hành vi (lão hóa sớm hoặc lão hóa bên ngoài). 2. Những thay đổi sinh lý của da – dấu hiệu của sự lão hóa 2.1. Nếp nhăn Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận biết lão hóa từ tuổi 25 trở lên là các đường nhăn và nếp nhăn. Xuất hiện đầu tiên là các đường nhăn nhỏ và nông ở vùng da xung quanh mắt, đặc biệt rõ hơn khi cười. Các nếp nhỏ cũng có thể thấy ở vùng khoé miệng. Trên trán, các nếp nhăn trở nên dễ nhận thấy như các đường nằm ngang, xuất hiện khi gương mặt biểu thị cảm xúc và trở nên sâu hơn theo thời gian. Những đường nhăn thẳng đứng nhỏ hơn xuất hiện giữa hai lông mày khi cau mày. Nếp nhăn sâu hơn hình thành giữa mũi và miệng, liên quan đến tình trạng da trở nên kém đàn hồi và do sự giảm khối lượng của da. Một protein cấu trúc gọi là collagen được tìm thấy trong lớp hạ bì, cung cấp một cấu trúc dạng khuôn nhằm hỗ trợ và nâng đỡ cho da. Trong quá trình lão hóa, quá trình sản xuất collagen giảm và các sợi collagen suy thoái với tốc độ nhanh hơn so với các năm trước. Có nhiều yếu tố dẫn đến sự suy giảm mức độ collagen. Thứ nhất, theo thời gian, các phân tử truyền dẫn có tác dụng kích hoạt sản sinh collagen bị suy giảm một cách tự nhiên. Đồng thời, sự gia tăng của collagenase enzyme làm phá vỡ các phân tử collagen. Một yếu tố góp phần làm giảm mức độ collagen là các gốc tự do từ việc phơi nhiễm tia cực tím. Những chất này có thể làm hỏng các sợi collagen và kích thích hoạt động của collagenase dẫn đến sự hình thành các liên kết collagen bất thường làm suy yếu da. Điều này dẫn đến sự giảm tổng thể lượng collagen trong lớp hạ bì. Những khu vực có sự hỗ trợ và nâng đỡ ít hơn sẽ bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn. 2.2. Da khô Da trở nên khô cũng là một trong các dấu hiệu của sự lão hóa da. Một làn da trẻ trung và khỏe mạnh luôn duy trì một độ ẩm thích hợp thông qua hàng rào khóa ẩm được tạo nên bởi các tế bào sừng được bao quanh và gắn chặt với các chất béo ở tầng biểu bì (ceramide, lipid, axit béo). Khi chúng ta già đi, da giảm sản sinh ceramide, chất béo và các axit béo, dẫn đến gia tăng khả năng mất nước qua da và gây khô da. 2.3. Da thô ráp, thiếu sức sống Một làn da khỏe mạnh, trẻ trung luôn giữ được sự mịn màng, rạng rỡ nhờ các tế bào da mới được đưa lên bề mặt trong khi các tế bào già hơn liên tục rụng xuống. Các tế bào da ở lớp dưới cùng của tầng biểu bì (lớp đáy) liên tục phân chia, hình thành các tế bào sừng. Quá trình tái tạo này gọi là quá trình làm mới tế bào da. Khi chúng ta già đi, tỷ lệ tái tạo tế bào da giảm làm cho các tế bào da cũ trở nên dính và khó rơi xuống. Cũng vì tỷ lệ làm mới tế bào giảm, da trở nên mỏng hơn và dễ bị tổn thương vì môi trường hơn, đặc biệt là các tổn thương vì tia UV từ ánh sáng mặt trời. Cuối cùng, da trở nên sạm và thô ráp. 2.4. Sự giảm sức đàn hồi của da Về sinh lý, khi chúng ta già đi, cơ thể chúng ta tăng tiết hormone DHT, làm ức chế sản xuất elastin. Elastin là một protein cấu trúc khác của lớp hạ bì, có khả năng trở lại vị trí cũ sau khi kéo giãn, mang lại khả năng đàn hồi cho da. Trong quá trình lão hóa, các sợi elastin sẽ mất đi tính đàn hồi và sự sản xuất elastin trong các nguyên bào sợi giảm. Sự suy giảm tổng thể mức độ elastin khỏe mạnh này sẽ làm giảm sức căng của da, đặc biệt là dọc theo đường hàm, cổ và quanh mắt. Cùng lúc đó, các tác động từ môi trường, đặc biệt là các tia tử ngoại có thể xâm nhập vào da, phá hủy các nguyên bào sợi tạo elastin. Các sợi elastin trải qua những thay đổi về cấu trúc và thành phần, được thay thế bằng các sợi elastin vô định hình với khả năng hoạt động kém hơn hẳn làm giảm sức nâng đỡ cho da. Hơn nữa, lớp hạ bì mất đi sức căng cũng một phần là do sự sụt giảm của các glycosaminoglycan, đặc biệt là hyaluronic acid và dermatan sulfate, hai thành phần liên kết với collagen và elastin hình thành nên bộ khung nâng đỡ và hỗ trợ cho da. 2.5. Xuất hiện các đốm đồi mồi Các sắc tố da bình thường giúp bảo vệ da khỏi ảnh hưởng do tiếp xúc với tia UV. Melanin, sắc tố bảo vệ da được sản xuất trong các tế bào melanocyte chuyên biệt ở lớp thấp nhất của tầng biểu bì (lớp đáy). Khi chúng ta già đi, các tế bào sắc tố da có xu hướng kết hợp lại với nhau, điều này dẫn đến sự sai khác trong hình thành các sắc tố da gọi là các đốm đồi mồi. 2.6. Lỗ chân lông to Kích thước của lỗ chân lông được xác định bởi yếu tố di truyền; tuy nhiên trong quá trình lão hóa, nó bị rộng ra. Nguyên nhân là do sự tăng dần của các tế bào chết xung quanh, gây bít tắc, làm lỗ chân lông không co lại được. Khi mà nhiều các phân tử collagen bị phá vỡ và sự sản xuất collagen bị chậm lại, cấu trúc nâng đỡ bao quanh các tế bào giảm dần và các tế bào bị kéo giãn, dó đó dẫn đến sự gia tăng kích thước của lỗ chân lông. Tài liệu tham khảo: 1. Handbook of cosmetic science and technology 3th edition, page 233 – 241, 625 – 626. 2. Zoe Diana Draelos, “Skin aging and physiology”, Nuskin 3. Jane Fore (2006), “ A review of Skin and the effects of aging on skin structure and function”, OHSU Sakai


bottom of page