top of page

Cây Nghệ Việt Nam


1. Tên gọi:

– Tên Việt Nam / Vietnamese name: Nghệ

– Tên khác / Other name: Nghệ vàng, khương hoàng

– Tên khoa học / Scientific name: Curcuma longa L.

– Đồng danh / Synonym name: Curcuma domestica Valet

– Họ thực vật / Plant family: Họ Gừng (Zingiberaceae)

2. Mô tả / Description:

Cây thảo, sống nhiều năm; cao 0,6 – 1,5 m. Thân rễ (củ) nạc, có ngấn, phân nhánh ngang, màu vàng, mùi hắc. Thân mang lá do các bẹ lá tạo thành. Lá có phiến thuôn, nhọn hai đầu, có mũi, hai mặt xanh, mặt trên nhẵn, gân nổi rõ mặt dưới, dài 30 – 50 cm, rộng 10 – 15 cm. Cụm hoa dạng bông dày, hình trụ, mọc từ kẽ lá, có cuống dài 20 – 30 cm. Lá bắc rời, những cái ở dưới màu lục nhạt, mang hoa sinh sản; những lá bắc trên màu hồng; hoa có 3 răng không đều, tràng dạng ống, thùy giữa dài hơn hai thùy bên; nhị có bao phấn có cựa; bầu có lông.

Quả 3 ô, mở khi già; hạt có áo hạt.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 5.






3. Phân bố

Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau được trồng ở khắp các nước nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam cũng như tỉnh Nghệ An, nghệ được trồng lâu đời trong nhân dân, làm gia vị và làm thuốc. Cây hơi chịu bóng; phần trên mặt đất lụi vào mùa đông, mọc lại vào mùa xuân.

4. Bộ phận dùng

Toàn bộ thân rễ (củ)

5. Công dụng

Trong y học cổ truyền, nghệ được sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh như: kinh nguyệt không đều, bế kinh, trướng bụng khó tiêu, viêm loét dạ dày, ghẻ lở, sốt vàng da. Liều dùng 6 – 10 g bột sắc hoặc uống trực tiếp (chia 3 lần). Nghệ dùng ngoài bôi có tác dụng lên da non, chữa chỗ nhiễm trùng. Curcumin chiết xuất từ nghệ được sử dụng phổ biến đối với người mắc bệnh gan, đau dạ dày, ngừa ung thư … tốt đối với người già. Hiện tại, còn có nhiều loại thuốc được chế tạo từ nghệ.

6. Thành phần hóa học

Trong củ nghệ có hỗn hợp chất màu 3,5 – 4% thuộc chất màu phenolic chủ yếu là các dẫn chất của diarylheptanvới 3 chất chủ yếu là curcumin (bisferuloyl-methan) (1), bis (4 hydroxy-cinnamoyl)-methan (2) và 4-hydroxycinnamoyl feruloyl-methan(3).



Các thành phần chủ yếu trong tinh dầu nghệ được xác định là những sesquiterpen ceton arturmeron, α turmeron, β turmeron và curlon. Ngoài ra có α và β pinen, camphen, limonene, terpinen, caryophyllen, linalool, borneol, isoborneol, camphor, eugenol, cineol curdion, curzerenon và curcumen. Các thành phần khác trong củ nghệ bao gồm: protein, chất béo, chất vô cơ, sợi, carbonhydrat, và caroten.

7. Tác dụng dược lí

Nghệ có tác dụng chống viêm cấp, viêm mạn trên mô hình gây phù bàn chân và gây u hạt thực nghiệm trên chuột cống trắng; gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non. Tác dụng chống viêm trong bệnh viêm xương khớp của nghệ được đánh giá là tương đương với Ibuprofen.

Nghệ có tác dụng chống loét dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Cao nước hoặc cao methanol cho thỏ uống làm giảm tiết dịch vị và tăng lượng chất nhầy của dịch vị. Cao chiết cồn làm giảm tiết dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng. Nghệ kích thích sản sinh chất nhầy ở thành và phục hồi sulfit không protein ở chuột cống trắng. Natri curcuminat kích thích không đặc hiệu co bóp cơ trơn hồi tràng cô lập chuột lang. Tinh dầu và natri curcuminat làm tăng tiết mật sau khi tiêm tính mạch cho chó, kích thích cơ túi mật. Bệnh nhân uống bột nghệ liều 500 mg x 4 lần/ngày x7 ngày có tác dụng tốt đối với loạn tiêu hóa acid, loạn tiêu hóa đầy hơi và loạn tiêu hóa mất trương lực; làm lành loét và giảm đau bụng.

Thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh curcumin là thuốc chống viêm có hiệu quả.

Một số thành phần hóa học của nghệ có tác dụng kháng khuẩn. Curcumin I có tác dụng ức chế in vitro sự phát triển của trực khuẩn lao nồng độ tối thiểu 25 mg/ml, ức chế Sallmonella paratyphi ở 50 mg/ml. Tinh dầu nghệ ức chế trực khuẩn lao ở nồng độ 1 mg/ml, Bacillus micoides và nấm Candida albicans. Thành phần turmeron ức chế các vi khuẩn và vi nấm: Bacillus subtilis, Candida albicans, Mycobacterium tuberculosis, Shigella dysenteriae… Curcumin có tác dụng kháng virus và ức chế protease của HIV – 1 và HIV – 2. Chất artumeron từ tinh dầu và dịch chiết hexan từ lá nghệ diệt ấu trùng muỗi Aedes aegyptii.

Tác dụng lên tim mạch : Thực nghiệm cho thấy Cucuminoids trong nghệ làm giảm số ca nhồi máu cơ tim sau phẫu thuật.

Một số thông tin khác: cao thân rễ nghệ có hoạt tính dự phòng mạnh chống tổn thương gan gây bởi CCl4 in vitro và in vivo. Cao nghệ chiết với chloroform 10 % có tác dụng chống nấm tóc thực nghiệm ở bê. Curcuminoids nghệ có tác dụng làm giảm kích ứng da thường xảy ra sau khi điều trị xạ trị ung thư vú.

8. Độ an toàn:

Nghệ với liều lượng sử dụng đã được kiểm tra và được đánh giá là an toàn khi dùng theo đường uống và qua da.

Sử dụng nghệ với liều cao hơn hoặc với thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày và ruột.

Tài liệu tham khảo:

  1. Viện dược liệu : http://tainguyenso.vienduoclieu.org.vn/doi-tuong-duoc-lieu?v=view&id=66

  2. National center for Complementary and Integrative Health (NCCIH) https://nccih.nih.gov/health/turmeric/ataglance.htm

bottom of page