top of page

NGUYÊN NHÂN CỦA LÃO HÓA DA

Lão hóa da là quá trình suy giảm đa hệ thống bao gồm cả da và hệ thống hỗ trợ cho da như xương, sụn, và các khoang dưới da. Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến lão hóa da. Lão hóa xuất phát từ hệ gen mà chúng ta có và phụ thuộc vào thời gian gọi là lão hóa sinh lý hay lão hóa nội tại. Một loại lão hóa khác nguyên do từ các tác nhân môi trường (ví dụ như ánh sáng mặt trời) gọi là lão hóa ngoại lai.

1. Lão hóa nội tại

Lão hóa nội tại, còn được biết đến là quá trình lão hóa tự nhiên, là quá trình liên tục thông thường bắt đầu từ giữa độ tuổi 20. Nguyên nhân đầu tiên của loại lão hóa này là việc sản xuất collagen suy giảm và elastin trở nên kém đàn hồi. Collagen là một protein cấu trúc được tìm thấy trong lớp hạ bì, cung cấp một cấu trúc dạng khuôn nhằm hỗ trợ và nâng đỡ cho da. Trong quá trình lão hóa, quá trình sản xuất collagen giảm và các sợi collagen suy thoái với tốc độ nhanh hơn so với các năm trước. Theo thời gian, các phân tử truyền dẫn có tác dụng kích hoạt sản sinh collagen bị suy giảm một cách tự nhiên; trong khi đó, sự gia tăng của enzyme collagenase góp phần làm gia tăng sự phân hủy các phân tử collagen trong các mô. Những điều đó dẫn đến sự suy giảm lượng collagen tổng thể trong da. Về sinh lý, khi chúng ta già đi, cơ thể chúng ta tăng tiết hormone DHT, làm ức chế sản xuất elastin. Elastin là một protein cấu trúc khác của lớp hạ bì, có khả năng trở lại vị trí cũ sau khi kéo giãn, mang lại khả năng đàn hồi cho da. Trong quá trình lão hóa, các sợi elastin sẽ mất đi tính đàn hồi và sự sản xuất elastin trong các nguyên bào sợi giảm. Sự suy giảm tổng thể mức độ elastin khỏe mạnh này sẽ làm giảm sức căng của da, đặc biệt là dọc theo đường hàm, cổ và quanh mắt.

Một nguyên khác dẫn đến lão hóa da sinh lý là sự suy giảm chức năng làm mới tế bào da. Một làn da khỏe mạnh, trẻ trung luôn giữ được sự mịn màng, rạng rỡ nhờ các tế bào da mới được đưa lên bề mặt trong khi các tế bào già hơn liên tục rụng xuống. Các tế bào da ở lớp dưới cùng của tầng biểu bì (lớp đáy) liên tục phân chia, hình thành các tế bào sừng. Quá trình tái tạo này gọi là quá trình làm mới tế bào da. Khi chúng ta già đi, tỷ lệ tái tạo tế bào da giảm làm cho các tế bào da cũ trở nên dính và khó rơi xuống ; các tế bào da mới ít được tạo thành hơn, da trở nên mỏng hơn và dễ bị tổn thương vì môi trường hơn.

Một nguyên nhân khác đến từ hệ thống hỗ trợ cho da. Hệ thống hỗ trợ cho da bao gồm xương, sụn và các khoang dưới da, cung cấp sự hỗ trợ về hình dáng cho lớp biểu bì, hạ bì và lớp sừng. Quá trình lão hóa đến từ sự thay đổi không mong muốn của các cấu trúc này. Cấu trúc của sụn cùng với hệ xương định hình nên hình dạng khuôn mặt. Khi tuổi tác chúng ta tăng lên, xương gia tăng hiện tượng khử khoáng, trở nên kém cứng chắc cùng với sự thay đổi trong hình dạng sụn dẫn đến sự thay đổi cấu trúc khuôn mặt. Trong lão hóa nội tại, ở các khoang dưới da xuất hiện sự giảm kích thước, suy giảm chức năng, khả năng phân chia và khả năng phân bố yếu đi của các tế bào mỡ. Sự suy giảm bắt đầu từ vùng mi dưới mắt và vùng má, và được nhìn thấy rõ ràng ở sự xuất hiện các nếp nhăn ở vùng dưới mũi.

Các cấu trúc nội bào có chức năng tạo thành mạng lưới đàn hồi của da bao bọc lấy collagen và sợi elastin. Cùng với sự lão hóa, sự suy yếu các ma trận ngoại bào và thành phần chính của nó là hyaluronate, với chức năng ổn định cấu trúc nội bào, dẫn đến sự suy yếu các chức năng cơ học của da. Hyaluronate cung cấp tác dụng đệm cho cấu trúc da bao gồm cả phần biểu bì. Hàm lượng hyaluronat và hệ thống đệm đàn hồi bị thiếu hụt sẽ phá vỡ kết cấu vũng chắc của cấu trúc da, làm cho da dễ bị tổn thương.

2. Lão hóa do các yêu tố ngoại lai

2.1. Ánh sáng mặt trời

Ánh sáng mặt trời là áp lực đầu tiên từ môi trường gây hại đến da. 80% sự lão hóa da mặt là do tác nhân này gây nên. Các tia cực tím từ ánh sáng mặt trời làm sản sinh ra các gốc tự do. Những chất này có thể làm hỏng các sợi collagen và kích thích hoạt động của collagenase dẫn đến sự hình thành các liên kết collagen bất thường. Cùng lúc đó, các tia tử ngoại xâm nhập vào da sẽ phá hủy các nguyên bào sợi tạo elastin. Các sợi elastin trải qua những thay đổi về cấu trúc và thành phần, được thay thế bằng các sợi elastin vô định hình với khả năng hoạt động kém hơn hẳn làm giảm sức nâng đỡ cho da. Do đó, da trở nên kém đàn hồi và thô ráp.

2.2. Khói thuốc lá

Khói thuốc lá gây tổn hại da bằng cách suy giảm mao mạch máu dẫn tới da, do đó gây thiếu oxy và dưỡng chất cho các mô liên kết dưới da. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng : khói thuốc làm suy giảm lượng collagen và elastin trong cơ thể. Do đó, da của những người hút thuốc trở nên nhợt nhạt, cứng và kém đàn hồi.

2.3. Các yếu tố môi trường khác

Da có thể bị lão hóa ảnh hưởng bởi các yếu tố từ môi trường khắc nghiêt như nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ trên da mà tăng 7-8oC sẽ dẫn đến sự thoát nước gấp đôi so với thông thường. Nhiệt độ quá thấp làm da trở nên cứng và suy giảm sự thoát ẩm của da ngày cả khi có nhiều độ ẩm trong không khí.

Tài liệu tham khảo:

1. Handbook of cosmetic science and technology 3th edition, page 233 – 241, 625 – 626. 2. Zoe Diana Draelos, “Skin aging and physiology”, Nuskin. 3. Ines Sjerobabski-Masnec and Mirna Šitum (2010), “Skin aging”, Acta Clin Croat, 49:515-519. 4. M. A. Farage, K. W. Miller, P. Elsner and H. I. Maibach (2008), “Intrinsic and extrinsic factors in skin ageing: a review”, International Journal of Cosmetic Science, 2008, 30, 87–95.

bottom of page