top of page

TỔNG QUAN VỀ CAPSAICINOID VÀ CÔNG NGHỆ CHIẾT XUẤT CAO ỚT GIÀU CAPSAICINOID

Đặt vấn đề

Ớt là loại cây phổ biến được trồng ở nhiều nơi trên thế giới và tại Việt Nam. Cây Ớt có tên khoa học là Capsicum annuumL., thuộc họ Solanaceae (họ Cà), bộ phận sử dụng chủ yếu là quả Ớt. Do có hương vị đặc trưng nên quả Ớt được sử dụng làm gia vị trong bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, quả Ớt được sử dụng khá phổ biến làm nguyên liệu để tạo hương vị cũng như các chất màu tự nhiên ứng dụng trong cho công nghiệp thực phẩm. Bên cạnh đó, quả ớt còn là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Quả Ớt có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, giúp ăn ngon, chóng tiêu. Ngoài ra, quả Ớt còn được dùng ngoài như một vị thuốc gây đỏ, kích thích tại chỗ với những trường hợp đau nhức do phong thấp, đau khớp, đau lưng [1].

Thành phần hóa học quan trọng trong quả Ớt bao gồm các loại tinh dầu, vitamin, chất béo và đặc biệt là các hợp chất Capsaicinoid [1]. Trong năm 2021, giải NobelY học đã được trao cho nghiên cứu liên quan đến thụ thể cảm nhận Capsaicin và các nghiên cứu ứng dụng Capsaicin. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chiết xuất Capsaicinoid trong quả Ớt. Trong bài tổng quan này, chúng tôi sẽ đi phân tích nguyên lý, ưu nhược điểm và các kết quả trong nghiên cứu và phát triển các phương pháp chiết xuất Capsaicinoid từ quả Ớt.

1. Thành phần hóa học quan trọng trong quả Ớt Capsaicinoid

Capsaicinoid còn gọi là chất cay trong quả Ớt. Nhóm chất này là tập hợp

các alcanoid có cấu trúc vanillylamid với mạch nhánh là các acid béo từ 9 - 11 carbon. Trong quả Ớt có 6 hợp chất chính thuộc Capsaicinoid bao gồm capsacin, dihydrocapsaicin, homocapsaicin, homodihydrocapsaicin, norcapsaicin và nordihydrocapsaicin. Đây là nhóm các hoạt chất quan trọng, có nhiều tác dụng dược lý quý báu, đồng thời là mục tiêu của các công nghệ chiết xuất hiện nay để làm nguyên liệu trongmỹ phẩm và dược phẩm. Hàm lượng Capsaicinoid trong quả Ớt chiếm từ 0.02 – 1.5% tùy vào giống ớt và điều kiện canh tác. Các hợp chất Capsaicinoid là những chất ít tan trong nước, tan tốt trong các dung môi hữu cơ

nhưchloroform,acetone, ethylacetate,methanol,ethanol,acetonitrile[1,2].

Chất Màu

Hiện nay quả Ớt có 3 loại màu chính là màu đỏ, vàng và xanh tương ứng với các chất màu chính là Carotenoid (capsanthin, capsorubin, cryptoxanthin, zeaxanthin và lutein), betacaroten và chlorophyll. Các chất màu trong quả Ớt cũng có giá trị trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. Tuy nhiên các chất màu không bền, dễ bị biến đổi trong quá trình phát triển của quả cũng như giai đoạn sơ chế, bảo quản sau thu hoạch [3].

Các loại Vitamin

Trong quả Ớt có chứa hàm lượng Vitamin phong phú bao gồm vitaminA, E, phức hợp vitamin B. Trongớt chứa hàm lượng vitamin C cao, cao hơn cả hàm lượng vitamin C trong các loại quả có múi. Đây là thành phần quan trọng trong quả Ớt được ứng dụng trong công nghệ thực phẩm chế biến các sản phẩm từ quả Ớt [3].

Chất Béo

Trong quả Ớt chứa hàm lượng chất béo cao và nằm chủ yếu ở hạt. Thành phần chất béo chính trong hạt Ớt là acid linoleic. Các chất béo cũng có giá trị trong công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên nó có tác động bất lợi đến quá trình chiết xuất và thu nhận bột Ớt [3].

Các hợp chất khác

Trong quả Ớt có chứa chủ yếu các đường đơn (fructose, glucose, galactose, sucrose) và các acid amin. Các hợp chất này làm tăng độ nhớt của dịch chiết gây khó khăn cho quá trình lọc và tách các Capsaicinoid [3].

Hình 1. Các hợp chất Capsaicinoid trong quả Ớt

2. Công nghệ chiết xuất cao Ớt giàu Capsaicinoid

Dung môi sử dụng để chiết xuất Capsaicinoid

Việc lựa chọn dung môi thích hợp là một yếu tố quyết định đến hiệu quả

quá trình chiết xuất. Độ tan của chất tan trong dung môi phụ thuộc vào cấu tạo phân tử, độ phân cực của các liên kết hóa học và tương tác giữa các phân tử. Việc lựa chọn dung môi phù hợp để chiết xuất cần dựa trên tính phân cực của các hợp chất, ái lực phân tử giữa dung môi và chất tan, sự truyền khối và truyền nhiệt trong quá trình trích ly, tính an toàn với môi trường và tính khả thi về kinh tế [4]. Một số dung môi đã được sử dụng để chiết bao gồm dung môi không phân cực và phân cực yếu (n-hexan, benzen, cloroform, dietyl ete), dung môi aprotic phân cực (etyl axetat, axeton, axetonitril, dimetyl sulfoxit) và dung môi protic phân cực (n- propanol, metanol, etanol, nước) [5]. Các dung môi hữu cơ thường được sử dụng để chiết xuất Capsaicinoid là axeton, metanol, etanol, axetonitril và nước [5]. Trong trường hợp dung môi là nước, khả năng hòa tan của Capsaicinoid kém, và không phù hợp cho các thử nghiệm độ cay của sản phẩm. Tuy nhiên, chiết xuất bằng nước có thể được sử dụng để kiểm tra hoạt tính sinh học [6]. Capsaicinoids gồm hợp chất có độ phân cực thấp nên có ái lực cao hơn với dung môi kém phân cực, vì vậy sử dụng các dung môi kém phân cực để chiết xuất Capsaicinoids thì cho hiệu suất cao. Chiết xuất Capsaicinoid bằng phương pháp ngâm sử dụng ethanol, axetonvà axetonitrile chỉ ra rằng ethanol và axetonitrile là những dung môi tốt hơn để chiết xuất Capsaicinoid ở dạng mẫu tươi và axeton tốt hơn ở mẫu khô. Peña-Alvarez và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu chiết xuất capsaicin và dihydrocapsaicin bằng phương pháp chiết xuất có hỗ trợ siêu âm, cho thấy ethanol là một dung môi chiết hiệu quả hơn nước [7]. Thời gian chiết xuất, nhiệt độ, lượng mẫu và công suất siêu âm là những yếu tố cải thiện chất lượng của Capsaicinoid được chiết xuất. Ngoài ra, dung môi được sử dụng để chiết xuất Capsaicinoid nên được lựa chọn xem xét khả năng hòa tan của sắc tố, có thể ảnh hưởng đến quá trình chiết xuất và thu hồi.

Công nghệ chiết xuất

Chiết xuất bằng phương pháp ngâm trong dung môi

Chiết ngấm kiệt là phương pháp thường được dùng để chiết dược liệu do kỹ thuật đơn giản và rẻ tiền để. Để nâng cao hiệu xuất chiết, nguyên liệu được nghiền thành các hạt nhỏ, sau đó dung môi và dược liệu được ngâm trong điều kiện nhất định. Có thể khuấy đảo để tăng sự khuếch tán và giảm nồng độ chất chiết ở khu vực bề mặt mẫu, điều này giúp năng suất chiết cao hơn [4]. De Aguiar

và cộng sự đã nghiên cứu sử dụng n- hexan,etanol, axeton và metanol làm dung môi chiết, nhận thấy rằng metanol là dung môi tốt nhất để chiết xuất Capsaicinoid từ quả Ớt [8]. Mặt khác, Siddiqui và cộng sự cũng tiến hành chiết xuất capsaicin từ quả Ớt với dung môi etanol, kết quả chỉ ra hàm lượng capsaicin tăng lên khi độ chín của quả Ớt tăng lên [9]. Martins và cộng sự nhận thấy rằng phương pháp chiết dung môi tăng tốc (ASE) không làm thay đổi hàm lượng capsaicin (<0,25%). Áp dụng phương pháp ngâm chiết kết hợp với khuấy để chiết capsaicin từ quả Ớt giúp tiết kiệm thời gian và dung môi so với các kỹ thuật khác [10]. Chinn và cộng sự đánh giá ảnh hưởng của phương pháp xử lý nguyên liệu và dung môi ethanol, acetone, và acetonitrile đến hàm lượng capsaicin và hydrocapsacin. Kết quả chỉ ra rằng ethanol và acetonitrile là dung môi phù hợp để chiết quả Ớt tươi trong khi acetone lại thích hợp cho việc chiết ớt khô [11]. Điều này chứng tỏ hàm lượng nước trong nguyên liệu ảnh hưởng đến độ phân cực của dung môi sử dụng.

Chiết xuất bằng phương pháp Soxhlet

Chiết xuất bằng phương pháp Soxhlet được sử dụng chủ yếu để chiết xuất lipid, tuy nhiên kỹ thuật này có thể được sử dụng để chiết xuất các hoạt chất khác nhau, và được sử dụng rộng rãi để so sánh hiệu suất quá trình chiết so với kỹ thuật chiết xuất tiên tiến [4]. Dung môi chiết luôn ở dạng tinh khiết khi tiếp xúc với nguyên liệu, điều này góp phần làm tăng khả năng chiết xuất các thành phần hóa học từ nguyên liệu ra môi trường dung môi [8]. Boonkird và cộng sự đã sử dụng phương pháp chiết Soxhlet với dung môi là ethanol để chiết xuất Capsaicinoids từ quả Ớt. Kết quả cho thấy hiệu suất thu hồi thu Capsaicinoid đạt 92% [12]. Dias và cộng sự cũng sử dụng phương pháp chiết Soxhlet để thu Capsaicinoids và phenolics từ loài Ớt Capsicum baccatum L., các dung môi nghiên cứu là n-hexan, ethylacetaet, ethanolvà methanol. kết quả chỉ ra n-hexan và ethylacetate cho sản lượng Capsaicinoid cao hơn các dung môi còn lại [13]. Điều này có thể do áp suất hơi cao hơn của n-hexan và ethylacetate nâng cao hiệu suất quá trình, trong khi độ khuếch tán thấp hơn và độ nhớt cao hơn của ethanol và methanol làm giảm hiệu suất chiết. Martins và cộng sự đã sử dụng chiết Soxhlet với các hỗn hợp dung môi hydroethanolic khác nhau để chiết hợp chất capsaicin từ quả Ớt đã nhận thấy rằng quá trình này làm giảm 2% hàm lượng capsaicin sau 45 phút chiết xuất. Tuy nhiên, hiệu suất chiết xuất thu được bằng phương pháp Soxhlet vẫn cao hơn các phương pháp vi sóng và siêu âm [10].

Chiết xuất bằng phương pháp siêu âm (UAE)

Công nghệ chiết bằng sóng siêu âm là công nghệ chiết được đánh giá là thân thiện với môi trường do sử dụng dung môi thân thiện là nước, ethanol, thời gian chiết ngắn, lượng dung môi sử dụng ít nhờ những ưu thế của công nghệ sóng siêu âm. Sóng siêu âm giúp phá vỡ thành tế bào của mẫu, kích thước hạt giảm, và tăng cường quá trình khuếch tán và chuyển khối bằng các quá trình thay đổi áp suất nhanh chóng gây ra các khoang khí và quá trình vỡ các bóng khí tạo ra sóng xung kích [12,14]. Sóng siêu âm có thể được áp dụng bởi hai hệ thống siêu âm để chiết xuất các hợp chất [15]. Hệ thống đầu tiên là máy đồng nhất sử dụng đầu dò siêu âm để truyền năng lượng sóng siêu âm trực tiếp đến mẫu trong dung dịch (UPR). Hệ thống thứ hai là bể siêu âm, sóng siêu âm truyền gián tiếp qua một bề mặt tới dung dịch chứa vật liệu (UBA) [15]. Công nghệ chiết sử dụng sóng siêu âm có thời gian chiết xuất ngắn hơn, đồng thời cho năng suất và độ ổn định cao hơn so với phương pháp chiết thông thường. Loại dung môi chiết, thời gian, nhiệt độ, tỷ lệ dung môi và chất rắn là những yếu tố cần nghiên cứu cho quá trình chiết xuất. Methanol và ethanol thường được sử dụng làm dung môi. Trong quá trình chiết siêu âm cần tránh hiện tượng tăng nhiệt quá mức do nhiệt độ cao trên 75°C cùng với sóng siêu âm có thể làm phá hủy các hợp chất. Alvares và cộng sự đã áp dụng công nghệ sóng siêu âm để chiết capsaicin và hydrocapsaicin từ quả Ớt, sử dụng ethanol và nước thu được hiệu suất chiết là 80% [7]. Boonkird và cộng sự so sánh hiệu suất thu hồi của capsaicin từ quả Ớt bằng các phương pháp chiết khác nhau đã chỉ ra rằng phương pháo chiết siêu âm thu được hiệu suất cao hơn so với phương pháp ngâm kiệt [13].

Chiết xuất bằng phương pháp vi sóng (MAE)

MAE là một kỹ thuật chiết xuất tiên tiến. Phương pháp này là sự kết hợp của chiết xuất sử dụng dung môi truyền thống với năng lượng vi sóng [16]. MAE được ứng dụng để chiết xuất các chất hòa tan vào dung môi bằng cách sử dụng năng lượng vi sóng để làm nóng dung môi và vật liệu, làm tăng tốc độ đứt gãy của tế bào, thay đổi các đặc tính vật lý của các mô sinh học, cải thiện độ xốp và tăng cường quá trình trích ly [4]. Quá trình hoạt động của vi sóng liên quan đến các chuyển động quay của các phân tử lưỡng cực ở đây là dung môi phân cực hoặc các hợp chất phân cực có trong vật liệu. Các chuyển động quay lắc đảo chiều liên tục của các phân tử lưỡng cực gây ra hiệu ứng nhiệt tăng cao giúp phá vỡ cấu trúc màng tế bào thực vật tạo điều kiện thuận lợi chosự di chuyển của các ion và tăng cường sự thâm nhập của dung môi vào tế bào nguyên liệu, cho phép hòa tan các thành phần được chiết xuất [17].Năng lượng vi sóng được sử dụng làm trường điện từ trong dải tần từ 300 MHz đến 300 GHz, được tạo thành từ hai trường dao động vuông góc như điện trường và từ trường. Loại dung môi, công suất vi sóng và thời gian chiết xuất là các yếu tố công nghệ cần nghiên cứu trong quá trình áp

dụng. Mặc dù là một công nghệ chiết với nhiều ưu thế, nhưng công nghệ này chưa được áp dụng nhiều trong chiết xuất Capsaicinoid của quả Ớt. Chủ yếu công nghệ vi sóng được áp dụng để chiết ở quy mô phòng thí nghiệm trong các nghiên cứu định lượng hàm lượng capsaisin bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Barbero và cộng sự đã nghiên cứu chiết xuất capsaicinoids từ quả Ớt bằng công nghệ vi sóng kết hợp dung môi ethanol ở nồng độ khác nhau [18]. Cienfuegos và cộng sự nghiên cứu nồng độ dung môi phù hợp để chiết xuất capsaicinoid trong quả Ớt bằng công nghệ vi sóng và đã tìm ra nồng độ ethanol

20% là tối ưu và thu được capsaicinoid với hiệu suất 85% [19]. Trần Anh Khoa

và cộng sự so sánh các phương pháp chiết xuất khác nhau đến lượng cao chiết và hàm lượng Capsaicinoid thu được từ quả Ớt [1]. Kết quả cho thấy, phương pháp MAE cho lượng cao chiết và hàm lượng Capsaicinoid tốt hơn so với phương pháp siêu âm, phương pháp ngâm, phương pháp soxhlet và phương pháp siêu tới hạn.

Chiết xuất bằng phương pháp dung môi siêu tới hạn (SFE)

Phương pháp chiết xuất bằng dung môi siêu tới hạn (thường sử dụng CO2) là phương pháp chiết xuất xanh, được sử dụng rộng rãi để chiết xuất các chất có hoạt tính sinh học. Công nghệ sử dụng dung môi ở trạng thái siêu tới hạn với các đặc tính lý hóa như tỷ trọng, độ khuếch tán, sức căng bề mặt và hằng số điện môi thích hợp để trích lý các hoạt chất. Phương pháp chiết SFE ở nhiệt độ thấp nên giữ được các đặc tính của các hoạt chất [20]. Hợp chất CO2 ở trạng thái siêu tới hạn có khả năng chiết các hợp chất không phân cực hoặc phân cực yếu. Để nâng cao hiệu suất của phương pháp, một số đồng dung môi như ethanol, methanol được sử dụng để chiết các chất có độ phân cực cao hơn [21]. Trần Anh Khoa và cộng sự nghiên cứu các phương pháp chiết xuất capsaicin từ quả Ớt cho thấy, phương pháp chiết xuất bằng dung môi siêu tới hạn thu được hàm lượng cao chiết ít hơn tuy nhiên hàm lượng Capsaicinoid lại cao hơn (chọn lọc hơn) so với các phương pháp chiết xuất khác như ngâm, Soxhlet, UAE, MAE [1].

3. Kết luận Quả Ớt là loại quả gia vị chứa nhóm hoạt chất quan trọng có giá trị cao là

Capsaicinoids. Trong đó, hai hợp chất capsaicin và dyhidrocapsaicin tạo ra vị cay và có tác dụng chống oxy hóa. Để thu được các hợp chất Capsaicinoid, nhiều phương pháp chiết xuất đã được nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp chiết xuất thông thường như ngâm kiệt có thể thu được Capsaicinoid nhưng sử dụng một lượng lớn dung môi và thời gian chiết xuất dài. Gần đây kỹ thuật chiết xuất tiên tiến như chiết xuất có hỗ trợ sóng siêu âm phù hợp cho chiết Capsaicinoids do sử dụng ít dung môi hơn chiết xuất thông thường, thời gian chiết ngắn và năng

suất tốt hơn. Chiết xuất có hỗ trợ vi sóng cho hiệu quả chiết xuất cao tuy nhiên chỉ phù hợp ở quy mô phòng thí nghiệm. Phương pháp chiết xuất bằng dung môi siêu tới hạn là phương pháp chiết xuất xanh do sử dụng dung môi thân thiện với môi trường. Để xây dựng được phương pháp chiết tối ưu đảm bảo yếu tố công nghệ, thiết bị, môi trường và kinh tế cần đánh giá hiệu quả của từng phương pháp trên nhiều khía cạnh. Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) đang nghiên cứu và thử nghiệm các phương pháp chiết xuất cao Ớt giàu Capsaicinoid phục vụ công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] T. A. Khoa, N. T. Ngọc Tuyết, and L. T. Kim Phụng, “Khảo sát và so sánh các phương pháp trích ly capsaicin từ quả ớt Capsicum annuum L .,” vol.1

9, no. 3, pp. 44–51, 2016.

[2] R. Stoica, M. Moscovici, C. Tomulescu, and N. Băbeanu, “Extraction and analytical methodsof capsaicinoids - a review,” Sci. Bull. Ser. F. Biotechnol., vol. 20, no. January, pp. 93–98, 2016.

[3] C. H. Phuong, “Định lượng capsaicinoid trong quả ớt việt nam bằng hplc,” Luận văn thạc sỹ dược học, 2018.

[4] J. Azmir et al., “Techniques for extraction of bioactive compounds from plant materials: A review,” J. Food Eng., vol. 117,no. 4, pp. 426–436, 2013, doi: 10.1016/j.jfoodeng.2013.01.014.

[5] L. Asnin and S. W. Park, “Isolation and Analysis of Bioactive Compounds in Capsicum Peppers,” Crit. Rev. Food Sci. Nutr., vol. 55, no. 2, pp. 254–

289, 2015,doi: 10.1080/10408398.2011.652316.

[6] G. F. Antonious, J. E. Meyer,J. A. Rogers, and Y. H. Hu, “Growing hot pepper for cabbagelooper, Trichopulsia ni (Hübner) and spider mite, Tetranychus urticae(Koch) control,” J. Environ. Sci. Heal. - Part B Pestic. Food Contam. Agric.Wastes, vol. 42, no. 5, pp. 559–567, 2007, doi:

10.1080/03601230701389512.

[7] A. Peña-Alvarez, L. A. Alvarado, and L. E. Vera-Avila, “Analysis of capsaicin and dihydrocapsaicin in hotpeppers by ultrasound assisted extraction followed by gas chromatography-mass spectrometry,” Instrum. Sci. Technol., vol. 40,no. 5, pp. 429–440, 2012, doi:

10.1080/10739149.2012.679719.

[8] A. C. de Aguiar, P. dos Santos, J. P. Coutinho, G. F. Barbero,H. T. Godoy, and J. Martínez, “Supercritical fluid extraction and low pressureextraction

of Biquinho pepper(Capsicum chinense),” LWT - Food Sci. Technol., vol.

59, no. 2P2, pp. 1239–1246, 2014,doi: 10.1016/j.lwt.2014.06.014.

[9] M. W. Siddiqui, C. M. Momin,P. Acharya, J. Kabir, M. K. Debnath, and R. S. Dhua, “Dynamics of changes in bioactive molecules and antioxidant potential of Capsicum chinense Jacq. cv. Habanero at ninematurity stages,” Acta Physiol. Plant., vol. 35, no. 4, pp. 1141–1148, 2013, doi:

10.1007/s11738-012-1152-2.

[10] F. S. Martins, L. L. Borges, C. S. C. Ribeiro, F. J. B. Reifschneider, and E. C. Conceição, “Novel approaches to extraction methods in recovery of capsaicin fromhabanero pepper (CNPH 15.192),” Pharmacogn. Mag., vol.

13, no. 50, pp. S375–S379, 2017, doi: 10.4103/0973-1296.210127.

11] M. S. Chinn, R. R. Sharma-Shivappa, and J. L. Cotter, “Solvent extraction and quantification of capsaicinoids from Capsicumchinense,” Food Bioprod. Process., vol. 89,no. 4, pp. 340–345, 2011, doi:

10.1016/j.fbp.2010.08.003.

[12] A. L. B. Dias, C. S. ArroioSergio, P. Santos,G. F. Barbero, C. A. Rezende, and J. Martínez, “Ultrasound-assisted extraction of bioactive compounds from dedo de moça pepper (Capsicum baccatum L.): Effects on the vegetable matrixand mathematical modeling,” J. Food Eng., vol. 198, pp.

36–44, 2017, doi:10.1016/j.jfoodeng.2016.11.020.

[13] S. Boonkird, C. Phisalaphong, and M. Phisalaphong, “Ultrasound-assisted extraction of capsaicinoids from Capsicumfrutescens on a lab- and pilot- plant scale,” Ultrason. Sonochem., vol. 15,no. 6, pp. 1075–1079, 2008, doi:

10.1016/j.ultsonch.2008.04.010. [14] T. S. Awad,H. A. Moharram, O. E. Shaltout, D. Asker,and M. M. Youssef, Applications of ultrasound in analysis, processing and quality controlof food: A review,” Food Res. Int., vol.48, no. 2, pp. 410–427, 2012, doi: 0.1016/j.foodres.2012.05.004. [15] T. Bajer, P. Bajerová, D. Kremr, A. Eisner, M. Adam, and K. Ventura, "Comparison of two ultrasonic systems with different settings for extraction of capsaicinoids from chili peppers,” Int. J. Food Eng., vol. 12, no. 6, pp. 67–576, 2016,doi: 10.1515/ijfe-2015-0347.

[16] J. Shi, H. Nawaz,J. Pohorly, G. Mittal, Y. Kakuda, and Y. Jiang,“Extraction

of polyphenolics fromplant material for functional foods - Engineering and

technology,” Food Rev. Int., vol. 21, no. 1, pp. 139–166, 2005, doi: 8

10.1081/FRI-200040606.

[17] I. RahathKubra, D. Kumar, and L. JaganMohan Rao, “Emerging Trends in Microwave Processing of Spicesand Herbs,” Crit. Rev. Food Sci. Nutr., vol.

56, no. 13, pp. 2160–2173, 2016,doi: 10.1080/10408398.2013.818933.

[18] G. F. Barbero, A. Liazid, M. Ferreiro-González, M. Palma, and C. G. Barroso, “Fast separation of capsaicinoids from peppers by reversedphase ultra-performance liquidchromatography: Comparation with traditional high-performance liquidchromatography methods,” Int. J. Food Prop., vol.

19, no. 5, pp. 984–992, 2016, doi: 10.1080/10942912.2015.1050673.

[19] N. E. C. Cienfuegos, P. L. Santos, A. R. García, C. M. F. Soares, A. S. Lima, and R. L. Souza, Integrated process for purification of capsaicin using aqueous two-phase systems based on ethanol, vol. 106. Institution of Chemical Engineers, 2017.

[20] N. M’hiri, I. Ioannou, M. Ghoul,and N. M. Boudhrioua, “Extraction Methods of CitrusPeel Phenolic Compounds,” Food Rev. Int., vol. 30, no.

4, pp.265–290, 2014, doi: 10.1080/87559129.2014.924139.

[21] G. Brunner, “Supercritical fluids: Technology and application to food processing,” J. Food Eng., vol. 67,no. 1–2, pp. 21–33, 2005, doi:

10.1016/j.jfoodeng.2004.05.060.

bottom of page